Với 92,53% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi). Theo đó, Luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022.

Với 92,53% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi). Theo đó, Luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022.

Luật sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều với nhiều điểm mới quan trọng:

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành vừa quy định hành vi "vi phạm hành chính nhiều lần" thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định này gặp vướng mắc do các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần”.

Vì vậy, để khắc phục bất cập trên, Luật sửa đổi đã quy định tại Khoản 2 Điều 1 – sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng: một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng. Như vậy, về cơ bản trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần” sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; chỉ xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” khi có quy định cụ thể của Chính phủ (tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực) về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần đó.

Tăng mức phạt tiền tối đa

Trên cơ sở thực tiễn thi hành, mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực theo quy định hiện hành còn thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Vì thế, Luật sửa đổi đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí, v.v...được quy định cụ thể tại Khoản 10 Điều 1- sửa đổi, bổ sung Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định như lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng để đồng bộ với Luật An ninh mạng; mức phạt tiền tối đa trong hoạt động kiểm toán nhà nước (sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính) để thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước; ....

Bên cạnh đó, quy định về mức phạt tối đa trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đã được lược bỏ vì kinh doanh theo phương thức đa cấp là một hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng (sửa đổi bổ sung Điểm đ Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính); hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng (sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Thẩm quyền xử phạt

Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Cụ thể, Luật sửa đổi đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước (Khoản 24 Điều 1- bổ sung Điều 48a Luật XLVPHC); chỉnh lý quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Khoản 20 Điều 1- bổ sung Điều 45a Luật Xử lý vi phạm hành chính). Trong đó, quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong Luật sửa đổi đã được chỉnh lý theo hướng việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm về cạnh tranh được thực hiện theo Luật Cạnh tranh.

Việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của chức danh này trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là để xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính khác để nhằm bảo đảm tính đầy đủ, tính thống nhất, tránh chồng chéo.

Ngoài ra, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự. Khoản 5 Điều 49 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành và Luật sửa đổi đều quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, tuy nhiên Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14 không quy định thẩm quyền xử phạt của chức danh này nên chưa bảo đảm tính thống nhất. Thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua cho thấy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự vẫn thực hiện thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn thi hành, Luật sửa đổi đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự vào Khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự (Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Luật sửa đổi cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Thủ tục xử phạt

Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chỉ quy định người có thẩm quyền phải “kịp thời” lập biên bản vi phạm hành chính, điều này dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành do không định lượng được thế nào là “kịp thời” trong từng trường hợp, lĩnh vực khác nhau.  Vì vậy, Luật sửa đổi đã chỉnh lý theo hướng “phải kịp thời lập biên bản” (Khoản 29 Điều 1 - sửa đổi, bổ sung Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính) và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn lập biên bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm phù hợp với từng lĩnh vực, từng hoạt động quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng đã bổ sung quy định về phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ theo hướng người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm về phòng, chống tác hại của rượu, bia để thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; lĩnh vực “phòng, chống ma túy” nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy theo Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị; lĩnh vực “phòng cháy, chữa cháy” để phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo tinh thần của Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Đối với các lĩnh vực khác, Luật sửa đổi đã giao Chính phủ quy định lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khoản 32 Điều 1- sửa đổi, bổ sung Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong việc sử dụng kết quả thu thập được, bảo đảm đúng nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, đúng quy định của pháp luật.

Quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt

Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân ở Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3.000.000 trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2.000.000 đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo (Khoản 37 Điều 1- sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về giảm, miễn tiền phạt cho tổ chức tại Khoản 38 Điều 1- sửa đổi, bổ sung Điều 77 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc sửa đổi những quy định như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho không chỉ cá nhân mà cả các tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp họ gặp khó khăn về kinh tế do những sự kiện đột xuất, bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn mà không phải là chính sách xã hội.

Quy định về biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính

Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi đã bổ sung 04 trường hợp tạm giữ người trong khi Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chỉ quy định 01 trường hợp. Trong đó, quy định trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” cũng phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này. Bên cạnh đó, trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy” cũng được bổ sung nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của liên ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, công an đang được áp dụng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Để thi hành Luật sửa đổi, Chính phủ, các Bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều Nghị định, Thông tư quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay vì như phương án đề xuất ban đầu là từ ngày 1/7/2021 nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật./.

Minh Ngọc


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 263.457
    Online: 4
    ipv6 ready