Quy định tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Các yêu cầu đối với khách hàng được xem xét, quyết định cấp bảo lãnh ngân hàng; Tỷ lệ cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở khám, chữa bệnh;...là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 04/2023
1. Quy định tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Nghị định 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào (KĐCLĐV) công chức có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Theo đó, tổ chức KĐCLĐV công chức quy định như sau:
- Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền KĐCLĐV;
- Việc KĐCLĐV được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
- Trước ngày 31/01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức KĐCLĐV trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về KĐCLĐV công chức.
- Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu KĐCLĐV thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định này và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.
Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.
Kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
2. 03 yêu cầu đối với khách hàng được xem xét, quyết định cấp bảo lãnh ngân hàng
Thông tư 11/2022/TT-NHNN về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.
Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNN) xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định;
- Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;
- Được TCTD, chi nhánh NHNN cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà TCTD, chi nhánh NHNN phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
TCTD, chi nhánh NHNN không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.
Các thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh ký kết và có hiệu lực trước ngày 01/4/2023 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận, cam kết đã ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt…
3. Tỷ lệ cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong cơ sở khám, chữa bệnh
Thông tư 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp (CDNN) trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập có hiệu lực từ ngày 05/4/2023.
Theo đó, tỷ lệ cơ cấu viên chức theo CDNN tại cơ sở khám, chữa bệnh quy định như sau:
- Nhóm CDNN chuyên ngành y tế và liên quan:
+ Bác sĩ: 20 - 22%;
+ Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y: 50 - 52%;
+ Dược, Trang thiết bị y tế: 5 - 7%;
+ Nhóm CDNN chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác): 1 - 3%.
- Nhóm CDNN chuyên môn dùng chung: 10 - 15%.
- Nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động): 5 - 10%.
- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sử dụng viên chức với CDNN không có trong danh mục vị trí việc làm theo loại hình tổ chức quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT phải có phương án sắp xếp, phân công và chuyển đổi CDNN cho viên chức phù hợp với công việc mới, hoàn thành trước 31/12/2025.
- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối thiểu quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT phải có phương án tuyển dụng, bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.
4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân
Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong lao động có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.
Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động về trang cấp PTBVCN trong lao động đơn cử như sau:
- Căn cứ vào quy định về trang cấp PTBVCN được ban hành tại Thông tư này và thời hạn sử dụng đã được quyết định, hằng năm, NSDLĐ tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để lập kế hoạch mua sắm (bao gồm cả dự phòng), trang cấp PTBVCN cho người lao động;
- Kiểm tra chất lượng PTBVCN trước khi trang cấp, trong quá trình sử dụng;...
- Lập sổ trang cấp, theo dõi việc trang cấp PTBVCN có chữ ký xác nhận của người lao động hoặc người đại diện của tổ đội, phân xưởng nơi người lao động làm việc nhận PTBVCN theo mẫu quy định;...
- Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi quyết định thời hạn sử dụng, số lượng PTBVCN trang cấp cho người lao động;…