Ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Thanh tra số 56/2010/QH12.
Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật Thanh tra năm 2022) gồm có 8 Chương và 118 Điều với các nội dung mới như sau:
1. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành
Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây:
(1) Theo quy định của luật.
(2) Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(3) Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.
Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền thành lập Thanh tra Sở
Tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Thanh tra Sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:
(1) Theo quy định của luật.
(2) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ.
(3) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.
3. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định về cộng tác viên thanh tra
Luật Thanh tra 2022 quy định tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41).
Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đã bỏ quy định về cộng tác viên thanh tra.
4. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên
Tại khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra năm 2022, việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây:
(1) Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành.
(2) Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
(3) Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
(4) Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022.
(5) Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm.
(6) Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch.
(7) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
5. Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước
* Thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra
Tại Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: ngoài nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
* Đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin
Tại Điều 113 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: bên cạnh các chính sách đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện khác, Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
6. Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra
Tại Chương VI Luật Thanh tra năm 2022 đã có quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.
Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.
7. Luật Thanh tra năm 2022 không còn quy định điều chỉnh đối với Ban Thanh tra nhân dân.
(Đính kèm: Luật Thanh tra số 11/2022/QH15)