Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II; Không thu học phí học sinh tiểu học; Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ; Giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II

Có hiệu lực từ 01/7/2020, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/06/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Cụ thể, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 7 về số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau: 

- Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện quy định xã loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); xã loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND; 

- Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện hành quy định phường, thị trấn loại IIchỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

Không thu học phí học sinh tiểu học

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Theo đó, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập, theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Điều 99).

Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Theo quy định tại Điều 11 Luật Dân quân tự vệ 2019, các trường hợp tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ bao gồm:

- Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

- Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;

- Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong quân đội hoặc đang phục vụ trong công an;

- Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Lao động duy nhất trong hộ nghèo; hộ cận nghèo;

- Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%;

- Người đang học tại trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Như vậy, so với trước đây, Luật này đã bổ sung thêm một số trường hợp như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an; lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo...

Cũng theo Luật Dân quân tự vệ 2019, các trường hợp được thôi nghĩa vụ trước thời hạn như sau: trúng tuyển công chức; Người có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ công an; có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân; Người có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài; Dân quân nữ tự vệ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. 

Đặc biệt, từ 01/7/2020, dân quân thường trực sẽ được trợ cấp ngày công lao động; Bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ); Hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;  Hưởng trợ cấp 1 lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Đây là điểm đáng chú ý được đề cập trong Luật sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi số 47/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua. 
Theo đó, thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu), cụ thể Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có 95 đại biểu (trước là 105 đại biểu). Hội đồng nhân dân tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu); Tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước đây là 95 đại biểu)
Hội đồng nhân dân quận:  Quận có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân được bầu tối đa 45 đại biểu (trước là 40 đại biểu nếu có trên 80.000 dân); Quận có từ 30 phường trực thuộc trở lên có không quá 40 đại biểu (vẫn như trước đây)

Hội đồng nhân dân huyện: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu);  Huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước đây là 40 đại biểu).

Hội đồng nhân dân phường: Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (trước có 8.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu); Phường có trên 10.000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước đây có 8.000 dân trở lên được bầu 35 đại biểu).

Hội đồng nhân dân xã: Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu;  Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước đây là 20 đại biểu);  Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước đây là 35 đại biểu);

Xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước đây là 35 đại biểu).


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 268.501
    Online: 7
    ipv6 ready